Đồng phục công sở giá trị hữu hình một thương hiệu
Đã qua rồi cái thời "cơm no, áo ấm”, ngày hôm nay người ta quen với "ăn ngon, mặc đẹp”. Tuy nhiên, mặc đẹp nơi công sở không thuần túy chỉ là cái đẹp về thẩm mỹ dưới góc nhìn mỗi cá nhân, mà mặc đẹp nơi công sở còn là sự hài hòa giữa thẩm mỹ và nét đặc trưng của môi trường làm việc, tính chất công việc, quan trọng hơn là góp phần tạo nên đẳng cấp và thương hiệu doanh nghiệp.
Tại sao cần đồng phục?
Đồng phục của mỗi doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là "sự lặp lại giống nhau”. Ngược lại, dưới vẻ ngoài "như nhau” ấy chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sa. Nó là sự thể hiện của tính chuyên nghiệp, tinh thần hòa đồng và sự gắn kết tạo nên sức mạnh tập thể lớn lao.
Đồng thời, nó cũng là nét văn hóa đặc trưng, vốn có của mỗi doanh nghiệp. Vì lẽ đó, chỉ cần nhìn vào bộ đồng phục của một công ty, một đơn vị nào đó người ta có thể "nhận diện” ra được bạn là ai, tính chất công việc của bạn ra sao, môi trường làm việc như thế nào, thậm chí, doanh nghiệp của bạn có thịnh vượng hay không…
Cùng với các dấu hiệu khác như bộ nhận diện thương hiệu (logo, khẩu hiệu, foder …),
đồng phục công sở cũng thuộc về lớp văn hóa "tầng bề mặt” của doanh nghiệp. Nó có thế mạnh và tầm quan trọng nhất định trong việc góp phần tạo nên đẳng cấp và thương hiệu doanh nghiệp qua việc thể hiện giá trị văn hóa "tầng sâu” như: Triết lí kinh doanh, niềm tin, chuẩn mực đạo đức, hành vi, bởi lẽ, nó là yếu tố gây ấn tượng đầu tiên, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc quảng bá và khẳng định bản sắc thương hiệu của mình.
Những biểu hiện về hình thức và cách sử dụng đồng phục còn cho thấy tri thức, cũng như thẩm mỹ của lãnh đạo, nhân viên một doanh nghiệp về xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có sự nhanh nhạy để phù hợp với nền kinh tế tri thức hiện đại. Đồng phục đẹp tạo ấn tượng chuyên nghiệp vừa trân trọng, vừa thân thiện với khách hàng sẽ góp phần không nhỏ vào thành công của doanh nghiệp đó. Vì thế, đầu tư vào việc trang bị đồng phục cho nhân viên là hạng mục đầu tư có lãi đối với doanh nghiệp, họ sẽ chính là những công cụ quảng bá thương hiệu hữu hiệu và có sức lan tỏa nhất.
Đặc biệt, nhiều nhà quản lý, cũng như chuyên gia tâm lý tin rằng. Khi khoác trên mình bộ trang phục của doanh nghiệp, tự thân mỗi người không chỉ thấy tăng thêm tính chuyên nghiệp, sự tự tin vào sức mạnh tập thể, mà họ còn cảm thấy có mục tiêu phấn đấu hơn, tình thần hăng say làm việc hơn để xứng đáng với hình ảnh mình đang mang. Từ đó, hiệu suất lao động tăng đồng nghĩa với những vi phạm tại doanh nghiệp giảm đi đáng kể.
Đồng phục thế nào là phù hợp?
Đến thời điểm này, vai trò quan trọng trong việc quảng bá và khẳng định bản sắc, truyền thống và thương hiệu của DN đã được nhận thức khá rõ, nhưng trên thực tế, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm đúng mức, hoặc có quan tâm cũng chỉ nửa vời hình thức.
Nhiều doanh nghiệp trang bị đồng phục như "mốt”, doanh nghiệp khác có đồng phục, chẳng lẽ doanh nghiệp mình không có, thế là từ việc thiết kế đến màu sắc "không của mình”, cũng "chẳng giống ai”, đồng phục biến tướng không có bản sắc riêng, nhiều khi gây sự hiểu nhầm tai hại. Một số doanh nghiệp lại thường xuyên thay đổi đồng phục công sở, không định hình phong cách, làm giảm uy tín của thương hiệu…
Để đầu tư và sử dụng đồng phục công sở một cách đúng mức, phát huy hết thế mạnh của đồng phục trong việc khẳng định văn hóa doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh thương hiệu trên thị trường, điều đầu tiên các doanh nghiệp cần quan tâm là xác định cho mình hệ thống quan điểm và tiêu chí đúng đắn về mục tiêu cũng như thẩm mỹ trong thiết kế đồng phục của doanh nghiệp. Làm sao phải khẳng định những giá trị riêng, đặc trưng cho văn hóa của doanh nghiệp mình, đồng thời, không được tách rời khỏi xu hướng chung của nền văn hóa cộng đồng.
Một bộ
đồng phục công sở đẹp sẽ phải là trang phục vừa đảm bảo tính truyền thông cho doanh nghiệp, vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa có tính nghiêm túc của công việc, vừa phải mang lại sự thoải mái, lịch sự, trang nhã và tiện dụng cho nhân viên.